Làm sao để giảm tỷ lệ thoát trang Bounce Rate?

Như trong bài định nghĩa về tỷ lệ thoát trang Bounce Rate tôi đã khẳng định tỷ lệ thoát trang có tác động đến thứ hạng của trang web trên công cụ tìm kiếm nên việc giảm tỷ lệ thoát là rất cần thiết đối với các nhà phát triển web, đặc biệt là các seoers.

Trước khi đi vào giải pháp tìm ra cách làm giảm tỷ lệ thoát trang bounce rate chúng ta cùng làm rõ những nguyên nhân dẫn đến hành vi bỏ trang của người xem:

Nguyên nhân khiến người xem thoát trang

Có rất nhiều lý do khiến cho một người đang xem website của chúng ta bỗng nhiên thoát khỏi trang web, trong đó tôi chia ra 3 loại là nguyên nhân: nguyên nhân bất khả kháng, nguyên nhân từ phía người xem web và nguyên nhân từ phía bản thân trang web:

Những nguyên nhân bất khả kháng

Đây là nhóm những nguyên nhân dẫn đến việc thoát trang nhưng cả chúng ta và người xem website đều không thể lường trước được và cũng không thể thay đổi được, ví dụ như: Bị mất điện, mất mạng, máy tính đang dùng bị treo, điện thoại hết pin,… Nghe có vẻ hài hước vì thực sự nguyên nhân như vậy rất ít khi xảy ra nên nếu tình cờ nó lại rơi vào đúng website của bạn thì chỉ có thể đổ tại số.

Những nguyên nhân từ phía người xem web

1. Do nội dung của trang web không phù hợp với nhu cầu của người xem

Nhu cầu của người xem website rất khác nhau, những người vào website của chúng ta không phải đều có cùng một mục đích hay suy nghĩ nên hiển nhiên hành vi của họ cũng khác nhau. Có người sẽ thấy nội dung của trang web rất hay, rất đáng để đọc vì đơn giản những thông tin mà họ nhận được hoàn toàn mới đối với họ; tuy nhiên với những người đã biết rồi thì họ sẽ cho rằng chẳng có gì mới mẻ cả, đọc chỉ tốn thời gian… và họ thoát.!

Để làm giảm tỷ lệ thoát trang trong trường hợp này chúng ta phải lựa chọn cách marketing đúng đắn, hướng đến đúng đối tượng người xem mục tiêu. Đây là bài toán nan giải không phải người phát triển web nào cũng làm được bởi sẽ có những mâu thuẫn xảy ra, lấy ví dụ như trong việc làm seo website nếu bạn muốn tăng tỷ lệ chuyển đổi vào web thì phải biết tối ưu title và thẻ meta description cho trang web, thậm chí đôi khi còn phải giật tít để câu view, câu like các kiểu… nhưng khi người xem vào trang web lại không tìm thấy nội dung mà họ mong muốn thì họ sẽ tắt website của bạn mà không phải bàn cãi. Tỷ lệ thoát trang cao nhưng bạn có nhiều người xem + tỷ lệ CTR cao. Bạn lựa chọn đi 😀

2. Do thói quen của người tìm kiếm

Thói quen của người tìm kiếm rất đa dạng, có nhiều người có thói quen mở vài trang web đầu tiên trên kết quả tìm kiếm để xem dần. Giả sử ngay ở trang web đầu tiên mà họ xem đã có quá đủ thông tin mà họ cần thì hiển nhiên họ sẽ tắt các trang web kia đi mà không cần đọc nữa – khi đó tỷ lệ thoát trang của những web kia sẽ bị tăng lên. Tình huống này có thể khắc phục bằng cách tối ưu titlethẻ meta description cho trang web để sàng lọc người đọc mục tiêu ngay khi họ tìm kiếm. Nhưng lại có 1 mâu thuẫn khác xảy ra là nếu họ tìm thấy trang web nhưng bỏ qua không truy cập vào thì sẽ làm giảm tỷ lệ CTR, mà tỷ lệ CTR thấp cũng làm giảm chất lượng của trang web và khiến từ khóa có khả năng bị tụt hạng. Vậy bạn lựa chọn CTR thấp hay Bounce Rate cao?

Trong khi đó cũng có nhiều người có thói quen chỉ mở 1 trang web đầu tiên trên kết quả tìm kiếm (nhất là với những người dùng thiết bị di động) sau khi xem xong lại nhấn nút back để quay lại trang kết quả tìm kiếm trước đó để xem tiếp các trang web ở top 2, 3, 4,… việc này cũng làm tỷ lệ thoát trang tăng lên – nhưng đây là thói quen của người sử dụng nên cách duy nhất là chúng ta có thể làm là phải giữ chân họ trên website, khiến họ bị nghiện, mê mẩn trên trang web của chúng ta. Việc này là một nghệ thuật và tôi sẽ trình bày khá dài dòng ở phía dưới.!

3. Do người đọc đã tìm thấy đủ thông tin mà họ cần

Đây là hành vi mà người dùng truy cập vào website chỉ để tìm kiếm một thông tin cụ thể nào đó. Ví dụ khi tìm kiếm các định nghĩa, ngày tháng năm sinh của một người nổi tiếng, khảo giá một sản phẩm hoặc địa chỉ một cửa hàng,… thì họ sẽ tắt trang web đi một cách rất nhanh chóng ngay khi nhìn thấy thông tin họ cần. Trường hợp này cũng gần như là bất khả kháng và không có cách nào để cải thiện tỷ lệ bounce rate. Tuy nhiên bạn cũng có thể hoàn toàn yên tâm vì tỷ lệ thoát trang trong trường hợp này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thứ hạng của trang web vì nếu mục đích xem của người dùng như vậy thì đối với trang web nào cũng như vậy thôi, tất cả đều bị tác động xấu chứ không riêng gì website của bạn.

4. Do người dùng không hoạt động trên trang web quá 30 phút

Nếu người dùng đang xem trang web nhưng lại bận việc gì đó và không tương tác trên website của bạn quá 30 phút thì phiên làm việc đó coi như đã kết thúc và lượt xem đó bị tính là người dùng đã thoát trang. Trường hợp này cũng gần như là bất khả kháng vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào người xem website cho nên chúng ta đành phải chấp nhận.

5. Do người dùng chuyển hướng sang trang web khác

Trường hợp này rất phổ biến vì đôi khi người dùng gõ một địa chỉ trang web mới ngay trên cửa sổ duyệt web hiện tại, họ sẽ bị chuyển hướng đễn trang web đó và hành động này cũng làm tỷ lệ thoát của trang tăng lên.

Những nguyên nhân từ phía website

Những nguyên nhân từ phía người xem website đôi khi chúng ta không thể chủ động được nhưng nếu người xem thoát trang vì nội dung website quá nghèo nàn, thiết kế rối mắt hoặc chèn quá nhiều quảng cáo khiến người dùng khó chịu,… thì đây quả thật là những lỗi mà chúng ta cần phải khắc phục càng sớm càng tốt.

1. Nội dung website quá nghèo nàn

Với những trang web có nội dung quá nghèo nàn, không mang lại nhiều giá trị cho người đọc thì đương nhiên chẳng có lý do gì mà họ không thoát. Nhiệm vụ của bạn là phải cung cấp những nội dung chất lượng, giá trị cho người xem. Vậy thì ngay từ khi lựa chọn từ khóa để làm seo bạn đã phải xác định được đối tượng người đọc mục tiêu để viết được nội dung hấp dẫn và hữu ích với người dùng.

2. Thiết kế website không thân thiện

Đây là lỗi thường thấy với rất nhiều website hiện nay vì đôi khi một website quá màu mè sẽ khiến người xem bị nhức mắt, hoặc một website được thiết kế quá đơn giản cũng khiến người xem không ấn tượng. Ngay cả việc sử dụng font chữ to nhỏ sao cho phù hợp, màu văn bản, kích thước hình ảnh, video,… khi trình bày trên website cũng cần phải hài hòa với bố cục tổng thể của toàn bộ trang web thì chúng ta mới giữ chân người xem ở trên web của chúng ta lâu được.

Thiết kế website Responsive
Thiết kế website Responsive giúp giảm tỷ lệ thoát trang Bounce Rate

3. Không tối ưu các External Links

Các bạn chưa hiểu thuật ngữ External links vui lòng xem thêm bài viết này: Link là gì?

Lỗi ngớ ngẩn thường gặp nhất đối với các webmasters thiếu kinh nghiệm khi liên kết với các website khác cứ để trạng thái mặc định nên khi người xem click vào những liên kết này sẽ bị chuyển hướng đến trang web mới ngay trong cửa sổ duyệt web hiện tại. Hành động này chẳng khác nào người dùng đóng trang web nên tỷ lệ thoát trang cũng sẽ tăng lên. Giải pháp rất đơn giản là các bạn hãy để thuộc tính target=”_blank” cho các liên kết ngoài để khi người xem vô tình (hoặc hữu ý) click vào những link này thì sẽ mở ra cửa sổ mới (cửa sổ hiện tại vẫn giữ nguyên).

Nếu các bạn sử dụng Wordpress thì có thể cài plugin Open external links in a new window hoặc plugin WP External Links sẽ giải quyết được vấn đề.

4. Đặt quá nhiều quảng cáo gây khó chịu cho người xem

Đây cũng là lỗi thường thấy ở các website được phát triển với mục đích kiếm tiền online. Chủ sở hữu website muốn gia tăng doanh thu sẽ tận dụng tối đa các vị trí quảng cáo và các loại quảng cáo khác nhau nên đôi khi gây ra cảm giác rất khó chịu cho người dùng (ví dụ như loại quảng cáo popup). Trường hợp này thì các bạn hiểu mình cần phải làm gì rồi đúng ko? Thay vì lạm dụng quảng cáo thì các bạn nên tối ưu các vị trí quảng cáo và tập trung vào việc phát triển tăng lượng traffic cho website, hãy hướng đến lợi ích lâu dài.

5. Tốc độ load trang chậm

Trong bài viết hướng dẫn tối ưu và tăng tốc cho Wordpress tôi đã khẳng định tốc độ trang web là 1 trong những yếu tố rất quan trọng và nó không chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ hosting mà còn do mã nguồn của website nữa. Chẳng ai muốn bị mất thời gian vô ích khi phải chờ đợi một website đang chạy với tốc độ rùa bò. Hãy cải thiện tốc độ website của bạn nếu không muốn bị mất một lượng người xem đáng kể.

6. Gây khó dễ cho người dùng

Nhiều trang web chia sẻ thông tin, phần mềm,… miễn phí nhưng lại bắt người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, email,… hoặc phải like, share,… mới cho phép nhìn thấy thông tin mà họ cần. Mặc dù đây là cách rất hay để “trao đổi” với người dùng nhưng nó chắc chắn sẽ gây khó khăn cho họ, đôi khi họ không muốn vì nhiều lý do khác nhau. Họ sẽ đóng trang web của bạn mà không cần suy nghĩ. Do đó, hãy cân nhắc trước khi sử dụng những tính năng như vậy.

Cách giảm tỷ lệ thoát trang Bounce Rate

Khi đã đọc đến đây hẳn là bạn đã phần nào nhận ra những lỗi ngớ ngẩn của mình. Tổng hợp lại, để giảm tỷ lệ thoát trang thì chúng ta cần làm tốt những việc sau:

1. Chọn nhà cung cấp hosting chất lượng

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm lựa chọn nhà cung cấp hosting thì nên lựa chọn các nhà cung cấp lớn vì họ uy tín và dịch vụ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên chất lượng thực sự còn phụ thuộc vào gói host bạn dùng nữa, thường thì tiền nào của đó nên nếu bạn mua gói nhiều tiền chất lượng hiển nhiên tốt hơn gói ít tiền.

Xem thêm bài viết: Tại sao nên chọn nhà cung cấp dịch vụ hosting lớn?

Và bài viết: 6 lỗi thường gặp khi lựa chọn nhà cung cấp web hosting

2. Cải thiện chất lượng website

Website bao gồm 2 phần chính là nội dung và hình thức, trong đó mặc dù nội dung vẫn giữ vai trò cốt lõi (là linh hồn của website) nhưng hình thức và tính năng của website cũng cần phải thân thiện để giúp người xem dễ dàng sử dụng và theo dõi… Do đó:

+ Thiết kế website đơn giản, dễ sử dụng, phối màu hài hòa, sử dụng font chữ dễ đọc,… hiển thị đẹp trên các thiết bị khác nhau.

+ Cung cấp nội dung giá trị cho người đọc. Xem: Hướng dẫn viết nội dung hấp dẫn chuẩn SEO và 9 cách sáng tạo nội dung hay nhất

+ Tối ưu tiêu đề, mô tả,… sao cho phù hợp. Không giật tít, câu view.

+ Tối ưu quảng cáo trên website.

+ Tối ưu liên kết ra bên ngoài trang web (External links)

+ Tối ưu các liên kết nội bộ (Internal links) để điều hướng người dùng trên trang.

+ Hiển thị bài viết liên quan dưới mỗi bài viết, hiển thị bài viết mới nhất hoặc được xem nhiều nhất trên sidebar (hoặc footer),… để kích thích người dùng xem thêm các trang khác. Đối với các website bán hàng thì có thể hiển thị các thông tin khuyến mại, giảm giá,… để thu hút khách hàng.

Tóm lại,

Giảm tỷ lệ thoát trang Bounce Rate là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết phản ánh chất lượng của website. Tuy nhiên để làm tốt việc này đòi hỏi người quản trị web cần có những kỹ năng nhất định mà không phải ai cũng làm tốt được. Đối với một số trang web đặc thù hoặc tùy vào từng trường hợp cụ thể mà đôi khi chúng ta không nhất thiết phải quá quan tâm đến chỉ số này, tuy nhiên nó vẫn là một trong những yếu tố để các nhà phân tích web đánh giá chất lượng của website, và có tác động đến thứ hạng của trang web trên các công cụ tìm kiếm. Vì vậy nếu có thể thì các bạn vẫn nên làm mọi thứ có thể để giảm tỷ lệ thoát cho trang web.

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x