Hướng dẫn đăng ký và sử dụng Ahrefs cơ bản

Ahrefs là công cụ trực tuyến giúp bạn kiểm tra và phân tích backlink của tất cả các website trên thế giới. Đây là công cụ rất hữu ích và vô cùng cần thiết với bất kỳ người làm SEO nào để bạn có thể theo dõi backlink của chính website mình cũng như để nghiên cứu và kiểm tra backlinks của các website đối thủ. Tuy rằng Ahrefs không phải là công cụ duy nhất giúp chúng ta kiểm tra backlink nhưng vì tốc độ cập nhật của nó rất nhanh và chính xác nên công cụ này luôn là số 1 trong lòng các SEOers trên toàn thế giới.

Website Ahrefs được thành lập từ năm 2011 bởi một nhóm thành viên đa quốc gia có nguồn gốc từ Ukraine nhưng đặt trụ sở chính tại Singapore. Ngay từ khi ra mắt phiên bản Site Explorer đầu tiên sau 1 năm chuẩn bị thì Ahrefs đã gây ấn tượng lớn và nhanh chóng trở thành một trong những công cụ hỗ trợ SEO tốt nhất thế giới. Hiện nay Ahrefs sử dụng hệ thống siêu máy chủ mạnh mẽ có khả năng xử lý 60 nghìn tỷ phép tính mỗi giây, thu thập dữ liệu của 6 tỷ trang web mỗi ngày và các backlinks mới được cập nhật liên tục cứ 15 phút/lần.

Trước đây Ahrefs có gói dịch vụ miễn phí, tuy bị giới hạn nhiều tính năng nhưng vẫn đủ dùng. Nhưng hiện nay thì chỉ họ chỉ cung cấp dịch vụ thu phí với gói rẻ nhất cũng là 99$/tháng – khá đắt đỏ so với thu nhập của người Việt. Những tài khoản cũ đăng ký gói miễn phí từ ngày xưa vẫn sử dụng được bình thường nhưng để đăng ký được tài khoản mới thì bạn cần có thẻ thanh toán quốc tế (visa, master card,…) hoặc tài khoản Paypal. Tin vui cho các bạn là Ahrefs cho phép dùng thử 14 ngày miễn phí với 2 gói Lite (99$/tháng) hoặc Standard (179$/tháng) trước khi thanh toán.

Bảng giá dịch vụ Ahrefs
Bảng giá các gói dịch vụ Ahrefs

Hướng dẫn đăng ký Ahrefs miễn phí

Bước 1: Đầu tiên các bạn vào trang https://ahrefs.com

Bước 2: Bấm vào nút Start free trial ở góc trên bên phải hoặc nút Start your free trial ở giữa trang web:

Đăng ký Ahrefs miễn phí
Đăng ký Ahrefs miễn phí

Bước 3: Các bạn điền email (sau này sẽ sử dụng để đăng nhập Ahrefs) và tích vào I accept Ahrefs’ Terms of use, sau đó click nút Continue:

Đăng ký tài khoản Ahrefs
Đăng ký tài khoản Ahrefs

Ở đây các bạn có 2 sự lựa chọn là gói Lite hoặc Standard. Cả 2 gói này đều được miễn phí 2 tuần sử dụng cho nên chả tội gì mà các bạn không chọn gói Standard. Bởi vì sau này chúng ta vẫn có thể thay đổi hoặc hủy bỏ gói dịch vụ bất cứ lúc nào khi không muốn sử dụng nữa.

Bước 4: Sau khi click nút Continue xong thì các bạn sẽ được chuyển đến trang khai báo các thông tin cá nhân. Các bạn điền đầy đủ thông tin và chọn hình thức thanh toán (credit card hoặc paypal) sau đó bấm NEXT để tiếp tục.

Bước 5: Bạn điền thông tin thẻ tín dụng của mình vào rồi ấn COMPLETE ORDER để hoàn thành quá trình đăng ký Ahrefs:

Nhập thông tin thẻ Credit Card
Nhập thông tin thẻ Credit Card

Card Number: là 16 số ở mặt trước của thẻ.

Card Expiration: là hạn sử dụng cũng in trên mặt trước của thẻ.

Card Security Code: là mã số bảo mật in ở mặt sau của thẻ (3 số với Visa, Mastercard, Discover. Và 4 số với loại thẻ American Express)

Bạn cứ yên tâm add thẻ Credit Card thoải mái, trong vòng 14 ngày dùng thử thì nó sẽ không phát sinh bất cứ khoản thanh toán nào đâu. Ahrefs chỉ tính phí 1$ để bạn liên kết cái thẻ vào hệ thống nhằm chắc chắn rằng bạn là một khách hàng tiềm năng và tránh 1 người đăng ký nhiều tài khoản (tất nhiên nếu bạn có nhiều thẻ tín dụng thì vẫn có thể đăng ký được nhiều tài khoản).

Bước 6: Sau khi đăng ký thành công bạn phải kiểm tra email và xác nhận:

Đăng ký Ahrefs thành công
Bấm Confirm email để xác nhận

Hướng dẫn tạo dự án mới trong Ahrefs

Sau khi bấm nút xác nhận email xong thì bạn sẽ được chuyển đến trang khởi tạo mật khẩu và bắt đầu khởi tạo một dự án mới.

Bước thêm website: Bạn gõ tên miền website muốn theo dõi vào Ahrefs. Bạn chỉ cần gõ tên miền thôi, không cần gõ đầy đủ www đâu. Chọn cái http + https mà Ahrefs nó Recommended. Rồi ấn Next để tiếp tục.

Thêm website vào Ahrefs
Thêm website vào Ahrefs

Bước thêm từ khóa: Các bạn nhập các từ khóa cần theo dõi bằng cách thủ công hoặc import từ file định dạng TXT, CSV tối đa 1000 từ khóa. Sau đó ấn nút Add to list để thêm vào danh sách. Phần Locations các bạn chọn địa điểm cần kiểm tra (có thể thêm nhiều địa điểm và chính xác đến từng tỉnh/thành phố). Tiếp tục Next.

Thêm từ khóa vào Ahrefs
Thêm từ khóa vào Ahrefs

Bước so sánh với các đối thủ: Tại bước này các bạn thêm các website của đối thủ vào để so sánh.

So sánh với các website đối thủ
So sánh với các website đối thủ

Bước cuối cùng: Các bạn lại thêm 1 số từ khóa, đây có thể là thương hiệu của bạn, thương hiệu của đối thủ, hoặc các từ khóa liên quan đến ngành nghề mà bạn quan tâm. Ahrefs sẽ gửi email thông báo cho bạn mỗi khi phát hiện ra một trang web mới xuất bản mà có chứa những từ khóa này.

Hướng dẫn sử dụng Ahrefs kiểm tra backlinks

Sử dụng Ahrefs
Sử dụng Ahrefs để kiểm tra backlinks

Để kiểm tra backlink của một trang web bất kỳ thì các bạn nhập URL của trang web đó vào. Tôi lấy ví dụ với trang http://viettinlaw.com/thanh-lap-cong-ty-tron-goi.html

Tổng quan về Ahrefs
Tổng quan về Ahrefs

Các bạn nhìn hình ảnh tổng quan về Ahrefs mà tôi đã phân chia thành 12 vùng tất cả:

1 – Vùng này là menu trái (để xem chi tiết)

2 – Vùng này thể hiện các thông số tổng quan:

  • Ahrefs Rank là chỉ số xếp hạng của trang web trong Ahrefs dựa trên số lượng và chất lượng của backlinks (ý nghĩa tương tự với chỉ số Alexa). (có giá trị tham khảo, xem cho vui)
  • UR là viết tắt của URL Rating được chấm theo thang điểm 100. Chỉ số này thể hiện sức mạnh của backlinks đổ về URL và khả năng được xếp hạng trên Google. (có giá trị tham khảo, xem cho vui)
  • DR là viết tắt của Domain Rating cũng được chấm theo thang điểm 100. Chỉ số này thể hiện sức mạnh của tất cả backlink đổ về website (domain). (có giá trị tham khảo, xem cho vui)
  • Backlinks là tổng số backlinks trỏ đến một trang web hoặc URL mục tiêu.
  • Referring Domains là tổng số tên miền có chứa backlink trỏ đến một trang web hoặc URL mục tiêu.
  • Organic keywords là số lượng từ khoá được xếp hạng mang lại cho trang web lượng truy cập tìm kiếm tự nhiên. (không chính xác)
  • Organic traffic là ước tính của Ahrefs về lưu lượng truy cập của một trang web hoặc URL thông qua việc tìm kiếm tự nhiên. (không chính xác)
  • Paid keywords là số lượng từ khoá được xếp hạng mang lại cho trang web lượng truy cập tìm kiếm có trả phí (Google Adwords). (không chính xác)

3 – Vùng này thể hiện các thông số chi tiết hơn về backlinks: ví dụ các đuôi tên miền, địa chỉ IP của tên miền, số lượng trang chứa backlinks, các loại backlinks,… Ở đây các bạn cần lưu ý như sau:

  • Referring Pages là số trang web chứa backlinks, khác hoàn toàn với Referring Domains vì một website có thể có rất nhiều webpage nên chỉ số Referring Domains không thể lớn hơn Referring Pages. Giả sử website dovanphuong.com này có 10 bài viết, nếu trong cả 10 bài tôi đều đặt 1 link trỏ về trang web A thì Referring Domain chỉ được tính là 1 nhưng Referring Pages sẽ được tính là 10. Do đó, Referring Domains càng nhiều sẽ càng tốt, tốt hơn so với nhiều Referring Pages.
  • Referring IPs là số lượng IP của máy chủ lưu trữ các website. Mỗi máy chủ có thể lưu trữ rất nhiều website nên các website sử dụng chung 1 địa chỉ IP là chuyện rất bình thường. Hoặc khi các bạn sử dụng Shared Hosting và lưu trữ nhiều website trên đó thì các website này cũng trùng IP. Cho nên Referring IPs không thể lớn hơn Referring Domains và Referring IPs càng nhiều sẽ càng tốt.
  • URL rating distribution thể hiện số lượng và tỷ lệ phần trăm của các Referring Pages phân loại theo chỉ số URL Rating. Thông số này phản ánh chất lượng của backlinks.

Ở phần này các bạn sẽ thấy có 2 chế độ xem: Fresh và Live:

  • Fresh Index là chế độ xem mặc định của Ahrefs, sẽ thống kê tất cả backlinks còn tồn tại trong 3 tháng gần nhất mà Ahrefs thu thập được.
  • Live Index là chế độ xem chỉ hiển thị những backlinks còn sống (còn tồn tại) tại thời điểm cuối cùng mà Ahrefs thu thập.

4 – Vùng này thể hiện sự thay đổi chỉ số xếp hạng Ahrefs Rank trong 3 tháng gần nhất.

5 – Vùng này là đồ thị thể hiện tổng số Referring Domains, tăng/giảm trong khoảng thời gian 1 năm gần đây. Có 2 tùy chọn khác là All Time (xem toàn bộ thời gian) và Last 30 days (xem số liệu của 30 ngày gần nhất).

6 – Vùng này là đồ thị thể hiện tổng số Referring Pages, tăng/giảm trong khoảng thời gian 1 năm gần đây.

7 – Vùng này là biểu đồ thể hiện số lượng Referring Domains mới hoặc bị mất đi trong từng tuần, thống kê trong khoảng thời gian 1 năm gần đây.

8 – Vùng này là biểu đồ thể hiện số lượng Backlinks mới hoặc bị mất đi trong từng tuần, thống kê trong khoảng thời gian 1 năm gần đây.

9 – Vùng này là thống kê số lượng và tỷ lệ tên miền của từng quốc gia (có giá trị tham khảo, xem cho vui)

10, 11, 12 – Các vùng này thể hiện số lượng và tỷ lệ các từ khóa anchor text mà chúng ta đã sử dụng để xây dựng baclinks.

Về cơ bản, ngay tại trang tổng quan này chúng ta phần nào cũng có cái nhìn khá đầy đủ về sự thay đổi, chất lượng backlinks của một trang web, qua đó đánh giá được một phần hiệu quả mà seo mang lại. Để xem chi tiết từng phần thì chúng ta sẽ xem tại các liên kết trên MENU bên trái (vùng 1) – Nhưng vì bài viết này khá dài rồi nên các bạn xem tiếp ở đây: Hướng dẫn kiểm tra backlink website đối thủ sử dụng Ahrefs

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
2 Bình luận
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
2
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x