Ship COD là gì? Tìm hiểu về dịch vụ vận chuyển COD

Có nhiều bạn khi mua hàng online chưa biết khái niệm ship cod là gì hoặc chỉ hiểu lơ mơ rằng ship cod là vận chuyển hàng thu tiền tận nơi nhưng chưa hiểu tường tận, chi tiết về loại hình vận chuyển hàng có phần mới mẻ này tại Việt Nam.

Thực tế trong quá trình kinh doanh, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến ship cod từ các khách mua hàng online và một số câu hỏi phổ biến là:

  • Ship cod là gì?
  • Ship cod khác gì ship bình thường?
  • Tại sao phí vận chuyển ship cod lại cao như vậy?
  • Tại sao khách mua hàng lại phải trả phí thu tiền hộ?

Do đó, tôi viết bài này để giải đáp những thắc mắc cho các bạn liên quan đến dịch vụ ship cod nhằm tránh những sự hiểu lầm, và cũng là để các chủ shop bán hàng online tìm hiểu về hình thức vận chuyển này, cân nhắc xem có nên sử dụng hình thức vận chuyển hay không.

Ship COD là gì?

COD là viết tắt của từ Cash on Delivery trong tiếng Anh. Tạm dịch tiếng Việt có nghĩa là thanh toán khi giao hàng. Tức là người mua sẽ thanh toán tiền tại thời điểm nhận hàng.

Hiện nay tất cả công ty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ ship COD. Trên thực tế dịch vụ này có nhiều tên gọi khác nhau như: dịch vụ ship hàng COD, vận chuyển thu tiền hộ, vận chuyển thu tiền tận nơi, gửi hàng COD, giao hàng COD, chuyển phát nhanh COD,…

Hiện nay các sàn TMĐT đều liên kết với các đơn vị vận chuyển để tính giá ship tự động cho khách hàng, đồng thời thu luôn phí vận chuyển cod cho các shop bán hàng trên sàn.

Quy trình ship COD diễn ra như thế nào?

Cơ bản ship cod chẳng khác gì ship hàng bình thường, chỉ thêm bước thu tiền hộ. Đối với người mua thì vô cùng tiện lợi nhưng lại là rất bất lợi với các shop bán hàng.

Quy trình ship COD
Quy trình ship COD

1. Khách đặt mua hàng

Khi đơn hàng được xác nhận và hình thức vận chuyển là ship cod thì người bán (shop) sẽ đóng gói và gửi hàng cho công ty vận chuyển để vận chuyển gói hàng đến giao cho khách.

Trước đây khi thị trường vận chuyển hầu như nằm trong tay nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước như EMSVNPost (thuộc VNPT) và Viettel Post (thuộc Viettel) thì các công ty này chỉ nhận hàng từ thứ 2 đến thứ 7. Nhưng hiện nay do nhu cầu của thị trường và sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ nhiều đơn vị vận chuyển tư nhân (Giao hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm, J&T Express, Best Express, Ninja Van,…) nên hầu như tất cả đều đã hỗ trợ giao nhận hàng cả vào ngày chủ nhật (trừ ngày nghỉ lễ).

2. Ship hàng cho khách

Sau khi nhận được gói hàng của shop, công ty vận chuyển sẽ chuyển hàng đến địa chỉ người nhận sau 1-2 ngày đối với các thành phố lớn (thêm 1-2 ngày cho các tuyến xã, huyện).

Về lý thuyết thì như thế nhưng thực tế có thể lâu hơn. Đặc biệt là vào dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng mạnh thì dịch vụ vận chuyển cũng bị quá tải dẫn đến chậm giao hàng. Ngoài ra, trường hợp hàng bị thất lạc thi thoảng cũng xảy ra.

Với các dịch vụ vận chuyển nhanh trong nội thành như Grab, Now, Ahamove,… thì cũng là ship cod do nhân viên vận chuyển phải tạm ứng tiền hàng cho shop trước rồi mới thu được tiền của khách sau. Thậm chí bây giờ nhiều shipper tự do cũng sẵn sàng nhận những đơn ship cod mà chẳng cần có sự đảm bảo nào cả.

3. Khách hàng thanh toán tiền cho Shipper

Số tiền cần thanh toán bao gồm:

  • Tiền hàng (công ty vận chuyển thu hộ shop).
  • Phí vận chuyển (công ty vận chuyển thu). Trung bình từ 20-30k với các thành phố lớn, và cao hơn với tuyến huyện, xã – có khi lên đến 70-80k tùy vào cân nặng và độ cồng kềnh của hàng hóa.
  • Phí thu tiền hộ (công ty vận chuyển thu, trung bình 20k/1 đơn hàng).

Nhiều bạn sẽ thắc mắc phí thu tiền hộ là phí gì?

Trước đây khi chưa có phần mềm hỗ trợ tính toán thì mới có khoản phí này. Công ty vận chuyển phải lo thu tiền, bảo quản tiền, thống kê, đối soát và thanh toán tiền hàng trả lại cho shop. Từ đó khâu kế toán sẽ phức tạp và cần nhiều người hơn, nên họ thu thêm tiền chính là vì lý do này.

Nhưng sau này hệ thống phần mềm quản lý ra đời giúp mọi thứ được tính toán hoàn toàn tự động và minh bạch vì vậy khoản phí “vô lý” này không còn tồn tại nữa. Ngoài tiền hàng, người mua cũng chỉ phải trả thêm phí vận chuyển mà thôi. Hơn nữa, khoản phí vận chuyển này cũng được đơn vị ship tối ưu đến mức thấp nhất nhằm thúc đẩy tiêu dùng online.

Nhiều khi mua online phải trả thêm phí ship mà còn tiết kiệm hơn so với chi phí đi lại đến mua tại cửa hàng. Mà bạn phải mua hàng online thì nhân viên vận chuyển mới có việc để làm chứ phải không nào?

Ưu nhược điểm của Ship COD

Đứng ở góc độ người bán hàng thì tôi khẳng định chẳng shop nào thích hình thức vận chuyển cod này vì quá nhiều rủi ro. Chẳng qua vì nhu cầu của khách hàng nên các shop mới phải hỗ trợ. Nhiều trường hợp khách sợ bị lừa nên cứ phải ship cod mới chịu mua cơ.

Đối với khách hàng (người mua hàng online)

Thực tế trước đây có nhiều trường hợp khách mua hàng qua mạng bị lừa nên bây giờ ai cũng cảnh giác. Nhất là với các shop mới, shop ở xa hoặc một cá nhân bán không có cửa hàng, địa chỉ rõ ràng. Khi đó, khách hàng yêu cầu phải ship cod thì mới mua, thậm chí còn phải cho khách kiểm tra hàng trước khi thanh toán.

Lừa đảo khi mua hàng qua mạng
Nhiều vụ lừa đảo khi mua hàng qua mạng đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng

Nói chung, khi tiền vẫn nằm trong túi thì khách hàng vẫn nắm đằng chuôi. Chứ nếu mà chuyển tiền cho shop rồi, đòi được lại hơi khó!

Đối với người bán (gọi chung là shop)

Có thể khẳng định rằng tất cả các shop bán hàng online đều không thích hình thức ship COD vì có rất nhiều rủi ro và bất lợi:

1. Shop bị giữ tiền hàng

Hàng thì phải đóng gói chuyển đi trước, tiền thì chưa được nhận!

Giả sử đơn hàng giao thành công thì công ty vận chuyển sẽ giữ tiền hàng của các shop từ 15-30 ngày mới thanh toán. Giữ bao lâu thì tùy vào chính sách của từng nhà cung cấp dịch vụ.

Trước đây khi chưa có phần mềm thì 2 bên (shop và công ty vận chuyển) phải đối chiếu lại tất cả mã vận đơn tốn khá nhiều thời gian. Trường hợp shop làm mất phiếu gửi hàng (trên mỗi phiếu gửi hàng có ghi mã vận đơn + tiền hàng) thì có nghĩa là shop có khả năng không thu được tiền hàng.

Hiện nay việc tích hợp quản lý bằng phần mềm giúp giảm rất nhiều thời gian đối soát đơn hàng, cũng như có báo cáo, thống kê rất chi tiết, đầy đủ và minh bạch. Ngoài ra, do thị trường cạnh tranh khốc liệt và các shop cũng cần tiền quay vòng vốn để làm ăn nên hiện nay nhiều đơn vị vận chuyển đã điều chỉnh chính sách thanh toán tiền hàng cho shop rút ngắn xuống còn 7 ngày, 3 ngày, thậm chí có chính sách riêng với shop lớn.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số đơn vị vận chuyển làm ăn không uy tín, cò quay tiền của shop, đến ngày hẹn vẫn không chịu thanh toán,… thậm chí còn định quỵt luôn tiền khiến các shop phải đi đòi nợ hết sức vất vả. Ví dụ điển hình là vụ GNN Express bùng tiền của 600 shop vào năm 2018.

Các bạn thử nghĩ xem: Một đơn vị vận chuyển mà giữ tiền của 1000 shop bán hàng online thì số tiền sẽ là bao nhiêu? Họ mà cò quay tiền đó vứt ở ngân hàng chậm vài ngày ăn lãi cũng ấm.

2. Khách bom hàng, bùng hàng

Với thị trường Việt Nam thì loại khách này không phải hiếm:

  • Khách hàng đổi ý không lấy hàng nữa nhưng không thông báo cho shop;
  • Nhân viên vận chuyển không liên lạc được với khách;
  • Khách trả lời tỉnh bơ là không hề đặt hàng;
  • Khách trơ tráo đến nỗi bảo là chỉ đặt hàng cho vui,…

Nói chung đơn hàng bị hoàn về thì shop sẽ bị mất phí vận chuyển 2 chiều. Kể cả khi gặp khách tử tế sẵn sàng trả phí chuyển hoàn cho shop thì trong thời gian đó (hàng đang trên đường đi) shop cũng không có hàng để bán cho những khách khác.

Shipper Grab bị bom hàng
Tài xế Grab ngậm ngùi ăn chiếc bánh pizza 240k vì bị bom hàng

Trường hợp shop đồng ý cho khách xem hàng trước khi thanh toán: Nhiều khách khó tính không ưng trả lại luôn (trong khi hàng đúng mẫu mã, size số, màu sắc,…). Lại gặp phải shipper thiếu trách nhiệm không chủ động liên hệ lại với shop xem nên giải quyết thế nào mà cứ thế mang hàng quay về luôn. Shop không bán được hàng mà vẫn bị mất phí ship 2 chiều. Vấn nạn này phổ biến với cả những đơn vị lớn như VNPost hay Viettel.

Nói chung nếu gặp khách chầy bửa không nhận hàng thì shop ở xa cũng đành bó tay thôi. Mà nhân viên vận chuyển cũng không có trách nhiệm phải “đòi tiền” cho shop nên họ thường tránh làm căng với khách hàng.

3. Shop bị mất uy tín vì công ty vận chuyển

Nhiều lúc công ty vận chuyển gửi hàng chậm, hàng bị thất lạc,… sẽ ảnh hưởng đến uy tín của shop. Khi khách hàng phải chờ lâu thì sẽ hủy đơn hàng. Đồng nghĩa với việc shop vừa không bán được hàng vừa phải chịu chi phí vận chuyển + phiền phức.

Trước đây vấn nạn này xảy ra phổ biến nhất với khách hàng ở các vùng quê hẻo lánh, địa chỉ khó tìm. Nhiều shipper không tìm nổi địa chỉ của khách cũng “mặc kệ”, không chủ động liên hệ với khách cũng không thông báo cho shop mà cứ thế mang hàng về. Khi các shop phản ánh thì công ty vận chuyển lại bảo vệ nhân viên của mình bằng cách không tính phí vận chuyển những đơn hàng như vậy.

Giải quyết như thế rất không thỏa đáng vì thực tế phí ship chả đáng bao nhiêu. Cái mà các shop bán hàng online cần chính là uy tín, là được phục vụ khách hàng, là đẩy hàng tồn thu hồi vốn. Cách giải quyết như vậy không những làm hư nhân viên mà còn làm hại các shop. Với những dịch vụ vận chuyển như vậy thì các shop online nên sớm chia tay.

4. Shipper vòi tiền khách hàng

Có nhiều trường hợp khách hàng đã chuyển khoản thanh toán tiền cho shop trước đó rồi. Trên gói hàng viết rõ là “người gửi thanh toán phí vận chuyển” nhưng nhân viên vận chuyển (bưu tá) vẫn lờ đi rồi thu phí ship cod như bình thường. Khách hàng không để ý tự nhiên mất tiền oan.

Lý do là có một số nhân viên bưu tá cố tình ăn tiền của khách (nhất là những người cao tuổi hoặc ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa) vì nghĩ khách không hiểu biết hoặc không để ý. Nếu khách phát hiện ra thì họ dễ dàng giải thích là “tại anh không để ý”. Trường hợp nhạy cảm như thế chẳng ai làm gì được. Nhiều khi đúng là do shipper không nhìn kỹ hoặc bị hoa mắt thật.

Nhân viên vận chuyển ship COD
Nhiều nhân viên vận chuyển “làm tiền” khách hàng

Mức độ nhẹ hơn là vòi tiền, xin thêm tiền “bồi dưỡng” với lý do ship ngoài giờ hành chính, hàng quá nặng, hàng cồng kềnh, trời nắng, trời mưa, đường xa, khó tìm,…

Đây là vấn nạn thường thấy với tất cả các hình thức vận chuyển chứ không riêng gì ship cod. Nó khiến khách hàng rất bực mình và vô tình có ấn tượng không tốt về shop (mặc dù dịch vụ vận chuyển thì chẳng liên quan gì đến shop).

Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào nhân cách của nhân viên vận chuyển và sự cẩn thận của khách hàng. Nhiều khách hàng không tỉnh táo cứ quy chụp, đổ lỗi hoàn toàn cho shop là không nên. Các bạn cần sáng suốt.!

Gặp trường hợp này, khách hàng nên làm gì?

  1. Kiểm tra thông tin trên phiếu gửi hàng của bưu tá. Vì nếu khách hàng đã thanh toán trước thì khi shop chuyển hàng sẽ ghi chú rõ ràng là NGƯỜI GỬI THANH TOÁN PHÍ VẬN CHUYỂN. Nếu không ghi (hoặc ghi sai) thì đây là lỗi của shop, khách hàng liên hệ ngay với shop để giải quyết.
  2. Nếu trên phiếu gửi hàng đã ghi rõ ràng là NGƯỜI GỬI THANH TOÁN nhưng shipper vẫn làm khó thì khách hàng thông báo ngay cho shop để shop yêu cầu công ty vận chuyển giải quyết.

Lời khuyên cho người mua hàng Online

Như các bạn cũng thấy, lựa chọn hình thức ship cod thì khách hàng có thể yên tâm, tránh được toàn bộ rủi ro và không sợ bị lừa khi mua hàng online. Tuy nhiên có phải lúc nào ship cod cũng cần thiết hay không? Và nếu shop bắt đặt cọc hoặc thanh toán trước thì phải làm thế nào?

Câu trả lời là: các bạn khi mua hàng trên mạng hãy tìm hiểu kỹ về nơi bán hàng:

  • Thông tin của họ có minh bạch, rõ ràng không?
  • Họ có những kênh bán hàng (website, facebook, zalo,…) nào?
  • Các hình ảnh có phải chụp thực tế hay ảnh sưu tầm linh tinh trên mạng?
  • Họ có hoạt động, tương tác trên kênh bán hàng thường xuyên không?…

Đó là cơ sở đủ để các bạn đặt niềm tin, chuyển tiền thanh toán trước để nhận được những ưu đãi của shop (nếu có).

Nếu các bạn vẫn muốn sử dụng dịch vụ ship cod thì khi gặp bất cứ vấn đề nào (dù phiền phức đến đâu) hãy sử dụng trí tuệ của mình để phân tích, suy xét để giải quyết sao cho hợp lý hợp tình. Đừng vội vàng quy chụp trách nhiệm, đổ lỗi cho các shop bán hàng online vì đôi khi chính họ cũng là nạn nhân của các công ty vận chuyển giống như bạn.

Shop bán hàng có nên sử dụng Ship COD?

Như tôi đã phân tích ở trên, các shop khi tìm hiểu ship cod là gì sẽ nhận ra những rủi ro của hình thức vận chuyển này (tại Việt Nam). Tuy nhiên có 2 nguyên nhân khiến shop nào bán hàng hiện nay cũng có ship cod:

  1. Vì khách hàng muốn như vậy;
  2. Vì các shop khác (đối thủ) hỗ trợ ship cod;

Thực tế cho thấy, shop nào mà không hỗ trợ ship cod thì khả năng chốt đơn thấp hơn hẳn. Do đó hiện nay các công ty lớn, siêu thị điện máy,… đều có nhân viên vận chuyển hàng đến tận nhà cho khách, lắp đặt, tư vấn, hướng dẫn sử dụng tại nhà luôn mà không thu thêm 1 đồng phí nào. Nhiều shop bán hàng online cũng miễn phí ship nội thành hoặc hỗ trợ giao hàng thanh toán tận nơi trong bán kính nhỏ.

Công ty vận chuyển nào uy tín?

Sau khi trải nghiệm qua rất nhiều đối tác vận chuyển lớn nhỏ trên thị trường thì tôi thấy rằng Viettel PostVNPost là 2 đơn vị vận chuyển mà bạn nên nghĩ đến trước tiên vì:

  1. Mặc dù phí dịch vụ cao hơn một chút so với mặt bằng chung nhưng họ làm việc khá uy tín, ít khi xảy ra sự cố như thất lạc hàng hóa, chậm trễ gửi hàng cho khách,…
  2. Thanh toán đầy đủ, không cò quay tiền của shop (vì dù sao những bên lớn như Viettel, VNPost đều là của nhà nước)

Tuy nhiên còn tùy vào nhân viên của từng chi nhánh mà thái độ làm việc cũng như trách nhiệm trong công việc cũng khác nhau. Trong quá trình làm việc sẽ xảy ra rất nhiều sự cố ngoài ý muốn mà các bạn cũng nên xác định tâm lý trước, chẳng hạn như:

  1. Chậm trễ trong khâu tổng kết tiền.
  2. Tính nhầm cước vận chuyển (giờ có phần mềm làm rồi nên hiếm khi xảy ra).
  3. Delay khi thanh toán (phổ biến lắm luôn).

Ngoài bưu điện và Viettel ra còn một số bên khác như Ecotrans, Tín Thành,… là những đơn vị vận chuyển lâu năm khá uy tín. Còn các bên mới nổi như Giao hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm, J&T Express, Best Express, Ninja Van,… thì có nhiều người khen và cũng có nhiều người chê nên tốt nhất các bạn tự trải nghiệm để biết mình có “may mắn” hay không.

Kết luận

Hiện nay thị trường này đang cạnh tranh rất ác liệt, các bên giành giật từng % thị phần nên tất cả công ty đều có chính sách rất tốt với shop, đồng thời chăm sóc cũng rất cẩn thận. Nhưng làm cái nghề vận chuyển này đúng là làm dâu trăm họ, kiểu gì cũng có phốt, đặc biệt vào dịp cuối năm khi kho vận bị quá tải. Càng là công ty lớn có nhiều khách hàng thì lại càng dính nhiều phốt. Bởi vậy rất khó đánh giá bên nào là tốt nhất, các bạn tự trải nghiệm thôi!

Một lưu ý thêm cho các shop bán hàng online là khi thấy khách hàng chưa hiểu rõ về hình thức ship COD thì các bạn nên giải thích cho họ hiểu ship cod là gì. Để tránh khách hiểu nhầm đến khi nhận hàng lại giật mình với phí vận chuyển. Tốt nhất nên thông báo trước với khách về phí ship và tổng tiền mà khách phải thanh toán khi nhận hàng.

Còn đối với những người mua hàng online, tôi chỉ hi vọng các bạn hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái, góp phần làm trong sạch thị trường trực tuyến tại Việt Nam. Đừng bom hàng tội nghiệp shop lắm!

Các bạn nếu có kinh nghiệm với công ty vận chuyển nào xin chia sẻ ở phần bình luận phía dưới bài viết này để tôi bổ sung thêm vào bài viết.

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
102 Bình luận
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
102
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x