URL là gì? Cấu trúc URL chuẩn SEO

Cấu trúc URL nào tốt nhất cho SEO là chủ đề gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn SEO vì tối ưu URL là một phần quan trọng của SEO Onpage. Nhưng trước khi trả lời câu hỏi trên các bạn cần tìm hiểu URL là gì và tại sao chúng ta phải tối ưu URL?

URL là gì?

URL là viết tắt của Uniform Resource Locator trong tiếng Anh. Còn được gọi là địa chỉ web (hay đường link). Nó là một chuỗi ký tự dùng để xác định chính xác vị trí của một tài nguyên trong một mạng máy tính. Nhờ có URL mà các trang web có thể liên kết được với nhau và người dùng có thể dễ dàng truy cập đến các tài nguyên khác nhau trên mạng internet.

Hầu hết các trình duyệt web đều hiển thị URL của trang web trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Một URL đơn giản mà các bạn vẫn thường thấy có cấu trúc như sau:

https://dovanphuong.com/cau-truc-url-chuan-seo.html

Nhưng một URL đầy đủ hơn có thể là:

https://dovanphuong.com:1990/seo/cau-truc-url-chuan-seo.html

Các thành phần của một URL

Nhìn vào ví dụ trên, bạn dễ dàng thấy nó bao gồm những thành phần sau:

Các thành phần của một URL
Các thành phần của một URL

1. Giao thức kết nối (URL Scheme)

  • HTTP (giao thức truyền tải siêu văn bản);
  • HTTPS (sự kết hợp giữa giao thức HTTP và giao thức bảo mật SSL hay TLS);
  • FTP (giao thức truyền tập tin),…

Xem thêm: Có nên chuyển website từ HTTP sang HTTPS không?

2. www (World Wide Web)

Có thể có hoặc không. Hiện nay các website đang dần bỏ www để cho đường link trang web trông ngắn gọn hơn.

3. Tên miền (domain)

Cũng có thể là tên miền phụ (subdomain) hoặc một địa chỉ IP, ví dụ:

  • Tên miền: dovanphuong.com, facebook.com, google.com,…
  • Tên miền phụ: vi.wikipedia.org, support.wordpress.com,…
  • Địa chỉ IP: 192.168.1.1, 45.252.249.16,…

4. Cổng kết nối (Port)

Khi một máy tính (máy chủ) chạy nhiều dịch vụ khác nhau thì cần phải biết chính xác port thì mới kết nối được đến dịch vụ tương ứng trên máy chủ đó. Ví dụ dịch vụ web thường có port là 80. Dịch vụ FTP thường port là 21.

5. Đường dẫn tuyệt đối (Path)

Là địa chỉ chính xác chứa dữ liệu, thường được tổ chức theo cấp bậc, xuất hiện dưới dạng một chuỗi các phân đoạn được cách nhau bởi dấu gạch chéo. Ví dụ: seo/url-la-gi-cau-truc-url-chuan-seo.html.

6. Các truy vấn (query string)

Có thể có hoặc không. Một truy vấn được tách ra từ phần trước bằng một dấu chấm hỏi (?), chứa một chuỗi truy vấn của dữ liệu không theo cấp bậc.

Cú pháp của nó không được định nghĩa rõ ràng nhưng theo quy ước thì nó thường là một dãy các cặp giá trị thuộc tính được phân cách bởi dấu chấm phẩy (;) hoặc ký tự &. Ví dụ với URL này: https://dovanphuong.com/?p=2755 thì chuỗi truy vấn là p=2755.

Với URL này: https://dovanphuong.com/post.php?post=2755&action=edit thì chuỗi truy vấn là post=2755&action=edit.

7. Chỉ định mục con (Fragment)

Có thể có hoặc không. Được tách ra từ phần trước bởi một dấu thăng (#). Trong trang web thì chỉ định mục con thường là một thuộc tính ID của một phần tử cụ thể giúp cho người dùng dễ dàng di chuyển đến vị trí của phần tử đó.

Ví dụ với URL này: https://dovanphuong.com/seo-la-gi-va-tai-sao-phai-lam-seo-website.html#seo-la-gi thì chỉ định mục con là seo-la-gi. Khi các bạn truy cập vào URL này thì trình duyệt web sẽ đưa bạn đến xem chính xác phần nội dung được gán ID seo-la-gi.

Tóm lại

Mỗi một URL là một địa chỉ web (một đường link) độc lập, riêng biệt:

  • Trang chủ (ví dụ https://dovanphuong.com);
  • Đường link của một chuyên mục (ví dụ https://dovanphuong.com/seo);
  • Đường link của một tag (ví dụ https://dovanphuong.com/tag/kinh-nghiem-seo);
  • Hoặc link của một bài viết (https://dovanphuong.com/link-la-gi.html);

Tất cả các URL này là khác nhau vì nó tham chiếu đến những dữ liệu (tài nguyên) khác nhau. Và các bạn có thể thấy chỉ một website dovanphuong.com này thôi đã chứa rất nhiều bài viết. Số lượng bài viết sẽ ngày một nhiều hơn qua năm tháng phát triển nên ngay cả bản thân tôi là người viết ra cũng không thể nào nhớ hết được các URL trên website này.

Trong khi đó, còn hàng tỷ website khác cũng sở hữu rất rất nhiều tài nguyên khác nhau, vậy thì làm thế nào để một người có thể tìm thấy thứ mà họ cần trong thế giới internet rộng lớn? Đó là lý do mà các máy tìm kiếm xuất hiện và nhanh chóng trở thành một thứ không thể thiếu với tất cả mọi người. Lĩnh vực công nghệ thông tin bắt đầu có thêm một nghề mới gọi là SEO và bởi vì các máy tìm kiếm như Google sử dụng URL là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng của trang web nên tối ưu URL chuẩn SEO là việc làm không thể thiếu.

Cấu trúc URL chuẩn SEO

Cấu trúc URL nào tốt nhất cho SEO là chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất trên các diễn đàn SEO từ trước tới nay. Từ các chuyên gia SEO cho đến các SEOer nhiều kinh nghiệm cũng chưa thể khẳng định chắc chắn rằng cấu trúc URL nào mới thực sự là tốt nhất cho SEO. Do đó, bài viết này chỉ là quan điểm của cá nhân tôi – với tư cách là một người đã làm SEO nhiều năm.

Các loại cấu trúc URL phổ biến

https://dovanphuong.com/?p=2317

https://dovanphuong.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1
https://dovanphuong.com/cấu-trúc-url-nào-tốt-nhất-cho-seo
https://dovanphuong.com/cau-truc-url-nao-tot-nhat-cho-seo
https://dovanphuong.com/cau_truc_url_nao_tot_nhat_cho_seo.html
https://dovanphuong.com/cau-truc-url-nao-tot-nhat-cho-seo-2317
https://dovanphuong.com/2015/12/21/cau-truc-url-nao-tot-nhat-cho-seo
https://dovanphuong.com/seo/cau-truc-url-nao-tot-nhat-cho-seo

Bạn sẽ thấy đường dẫn URL có thể có chứa:

  • Các ký tự đặc biệt (=?&…)
  • ID bài viết
  • Tiêu đề của bài viết
  • Thời gian viết bài
  • Chuyên mục chứa bài viết

Vậy chúng ta nên sử dụng URL nào? Hãy cùng phân tích một chút:

  • Chứa các ký tự đặc biệt: không chỉ khó nhớ, gây mất phương hướng cho người xem mà còn tạo ra khó khăn cho các máy tìm kiếm trong việc đọc trang web và lập chỉ mục nên có thể sẽ làm giảm tốc độ index của website (cái này là phỏng đoán cá nhân).
  • Chứa ID bài viết: Nếu URL chỉ chứa ID bài viết thì chưa thể hiện được nội dung của trang web cho nên sẽ không thân thiện bằng chứa tiêu đề của bài viết.
  • Chứa tiêu đề bài viết: Vừa dễ đọc lại vừa dễ nhớ, hơn nữa lại chứa đựng từ khóa.
  • Chứa thời gian: Cũng chỉ là con số thể hiện thời gian viết bài, chưa thể hiện được nội dung của bài viết.
  • Chứa chuyên mục: Cũng dễ đọc, dễ nhớ nhưng nếu bạn chia tầng chuyên mục quá nhiều thì URL sẽ rất dài và trở nên khó nhớ.

Tóm gọn lại:

URL nên chứa từ khóa seo

Rõ ràng là khi URL chứa từ khóa seo thì không chỉ người xem mà cả máy tìm kiếm cũng dễ dàng hiểu được chủ đề của bài viết. Thực tế cho thấy phần lớn các website đều chọn loại URL này – có chứa từ khóa seo!

Cấu trúc URL tốt cho SEO
Cấu trúc URL tốt cho SEO

Nhưng có nên là từ khóa tiếng Việt có dấu không? Theo tôi là không nên. Mặc dù hầu hết các trình duyệt web hiện nay có khả năng xử lý các URL chứa ký tự Unicode rất tốt nhưng mã hóa URL sẽ thay thế các ký tự không phải ASCII bằng các ký tự “%” và hai chữ số thập lục phân. Ví dụ:

https://dovanphuong.com/cấu-trúc-url-nào-tốt-nhất-cho-seo

sẽ trở thành:

https://dovanphuong.com/c%E1%BA%A5u-tr%C3%BAc-url-n%C3%A0o-t%E1%BB%91t-nh%E1%BA%A5t-cho-seo

Cho nên URL tiếng Việt có dấu không được sử dụng phổ biến như URL tiếng Việt không dấu. Tuy nhiên, việc lựa chọn như thế nào tùy bạn. Google hiện giờ cũng rất thông minh, nó có khả năng hiểu được cả những từ đồng nghĩa, hiểu được sự tương đồng giữa từ khóa không dấu và có dấu.

URL nên chứa chuyên mục

Nếu URL chứa chuyên mục bài viết (tên thư mục) tức là cũng sẽ chứa từ khóa (tên chuyên mục) – cũng tốt cho SEO. Nhưng nhược điểm là làm cho đường link trông dài hơn, trong khi các máy tìm kiếm cũng giới hạn ký tự khi hiển thị (không quá 75 ký tự). Do đó việc sử dụng URL chứa tên chuyên mục tùy vào việc tổ chức website của bạn. Nếu bạn phân tầng chuyên mục quá sâu mà tên chuyên mục lại dài thì không nên sử dụng loại URL này. Ví dụ:

https://dovanphuong.com/huong-dan-seo/seo-on-page/cau-truc-url-nao-tot-nhat-cho-seo.html

là quá dài so với:

https://dovanphuong.com/seo/cau-truc-url-nao-tot-nhat-cho-seo.html

Google và các máy tìm kiếm khác hiển thị nội dung từ trái qua phải, cho nên những ký tự “thừa” sẽ tự động bị cắt bớt. Khi đó, mặc dù URL của bạn có chứa từ khóa chuyên mục nhưng lại bị cắt mất các từ khóa ở tiêu đề. Trong khi từ khóa ở tiêu đề bài viết thường có mức độ liên quan đến nội dung bài viết hơn so với chuyên mục.

Mặt khác, khi đường dẫn trang web phân tầng quá sâu thì cũng gây ra sự khó khăn cho các máy tìm kiếm, Google sẽ mất nhiều thời gian hơn để phân tích và hiểu được sự tổ chức website của bạn cho nên đây rõ ràng sẽ là một điểm trừ vì bạn đang làm một thứ đơn giản trở nên phức tạp, gây lãng phí tài nguyên máy chủ của Google.

Kinh nghiệm sử dụng URL của tôi là:

  1. Không chứa các ký tự đặc biệt ?=&!…
  2. Không chứa các ký tự viết hoa hoặc tiếng Việt có dấu;
  3. Không quá dài (tối ưu càng ngắn càng tốt);
  4. Có chứa từ khóa chính (chuyên mục, tiêu đề bài viết,…)
  5. Sử dụng dấu gạch ngang (-) để nối các từ khóa trong URL
  6. URL phải được chuyển hướng hoặc hiển thị trang báo lỗi 404 khi gõ sai.

Nếu bạn sử dụng Wordpress thì tôi khuyên bạn nên sử dụng Permalinks (cấu trúc đường dẫn tĩnh) dạng /%postname%/ hoặc /%postname%.html hoặc /%category%/%postname%/ hoặc /%category%/%postname%.html bởi vì đây cũng là lời khuyên của nhiều chuyên gia seo trên thế giới.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng tất cả những kiến thức được chia sẻ ở trên đều chỉ là lý thuyết cơ bản và tôi thực sự không muốn quan trọng hóa nó (URL) bởi vì thực tế đã chứng minh rằng nhiều trang web có URL rất xấu vẫn có xếp hạng cao bởi vì nội dung của những trang web đó tốt, tên miền uy tín, nhiều traffic chất lượng,…

Đừng quá tập trung vào các yếu tố kỹ thuật

Việc thiết kế ra một website có cấu trúc URL chuẩn seo không hề khó nên phần lớn các website bây giờ đều có URL rất đẹp, rất chuẩn SEO nhưng kết quả là SEO mãi vẫn không lên được TOP. Lý do rất đơn giản là các bạn không nắm vững kiến thức seo cơ bản nên không nhận thức được đâu mới là giá trị cốt lõi của website.

Các bạn hãy tập trung vào nội dung, tạo ra giá trị hữu ích với người dùng thì mọi yếu tố kỹ thuật sẽ trở nên nhỏ bé. URL cũng vậy, bạn thích sử dụng cấu trúc nào cũng được. Đừng cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi: đâu mới là url tốt nhất cho seo – vì chẳng ai trả lời được chính xác cho bạn đâu. Tất cả những URL dưới đây đều chuẩn SEO hết:

https://dovanphuong.com/url-la-gi.html
https://dovanphuong.com/url-la-gi/
https://dovanphuong.com/khai-niem/url-la-gi.html
https://dovanphuong.com/khai-niem/url-la-gi/
https://dovanphuong.com/2017/url-la-gi.html
https://dovanphuong.com/2017/url-la-gi/

Tùy vào sở thích của bạn thôi!

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x